Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng phẫu thuật

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi điều trị bảo tồn không có hiệu quả. Tuy nhiên nếu bạn chọn lựa điều trị bằng phương pháp này thì cần hết sức lưu ý.

Thoát vị đĩa đệm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, 70% là lứa tuổi lao động, nhất là những người phải mang vác nặng hoặc những người ít tập thể dục, nam thường chiếm nhiều hơn nữ. Tùy theo tính chất tổn thương, biến chứng của bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh lên khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hay ngoại khoa (phẫu thuật).




Thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường được điều trị nội khoa và 80% đã thành công. Khi điều trị nội khoa không khỏi thì mới tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tình trạng đau mà bệnh nhân điều trị nội khoa không hết. Ngoài ra, còn dựa vào những tiêu chuẩn cụ thể để chuẩn đoán phẫu thuật ở tầng nào và thoát vị đĩa đệm bên nào.

Điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng được chỉ định ở những bệnh nhân có biểu hiện đau lưng dữ dội. Những bệnh nhân bị ngã hoặc đĩa đệm bị lồi ra chèn ép vào dây thần kinh gây đau và yếu liệt chi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Đối với trường hợp bệnh nhân bị đau tái đi tái lại nhiều lần, điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân đau kéo dài trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần thì cũng nên phẫu thuật.

Tỉ lệ thành công sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể đạt trên 90%

Tỉ lệ thành công sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể đạt trên 90%, di chứng sau phẫu thuật gần như không có. Nhiều người có tâm lý sợ liệt sau khi mổ. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân  đi đứng bình thường, không bệnh nhân nào bị yếu liệt chi sau khi mổ, tỉ lệ tái phát sau mổ rất nhỏ chỉ khoảng 3%.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng ngừa bệnh này và để bệnh không xảy ra, mọi người nên tránh làm việc nặng, việc quá sức hoặc làm việc trong một tư thế lâu, không nên ngồi hoặc đứng trên 45 phút. Nên thay đổi tư thế, đứng lên đi lại hay tập thể dục nhẹ nhàng sau đó quay lại làm việc tiếp thì cơ cột sống, đĩa đệm sẽ bớt bị căng và đỡ mỏi hơn.

Nếu đã được chuẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh không nên tự tiện mua thuốc uống, bởi dùng thuốc giảm đau lâu ngày có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân uống nhiều thuốc này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, gây ra các bệnh lý như: loãng xương, cao huyết áp, tiểu đường... Khi phát hiện bệnh đau lưng, người bệnh không nên cố chịu đựng mà nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa ngoại để gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn, làm xét nghiệm chuẩn đoán hình ảnh cần thiết và có chế độ điều trị thích hợp cho người bệnh